Giáo
viên chủ nhiệm (GVCN) là cầu nối giữa tập thể học sinh (HS) với các tổ chức
giáo dục trong và ngoài nhà trường. Thông qua công tác chủ nhiệm, việc giáo dục
kỹ năng sống (KNS) góp phần định hình, định hướng tính cách của HS.
GVCN là người quản
lý lớp học giúp Hiệu trưởng giám sát lớp học, thực hiện việc kiểm tra sự tu
dưỡng và rèn luyện của HS. Người có trách nhiệm phản hồi tình hình lớp và từng
HS đến phụ huynh. GVCN có vai trò của một nhà tâm lý, nhà quản lý trong nhà
trường ở một tập thể thu nhỏ là lớp học. Như vậy, trong số tất cả các GV tham
gia vào hoạt động giáo dục của lớp, GVCN lớp chính là người trực tiếp, thường
xuyên gần gũi với HS nhất, là chỗ dựa tinh thần vững vàng cho các em trong cuộc
sống để các em có thể nhận được hỗ trợ, giúp đỡ hoặc hướng dẫn, dạy dỗ cần
thiết kịp thời.
Trường TH Phú Quý 2, huyện Ninh Phước tổ chức sinh hoạt tập thể
giáo dục KNS cho học
sinh
Trong giờ sinh
hoạt lớp, GVCN kết hợp tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề về giáo dục KNS. Nội
dung phải thật gần gũi, thiết thực, đảm bảo gắn với thực tiễn hoạt động của
trường, địa phương, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý HS. Chuyên đề phải vừa
sức, phát huy được năng lực của HS, phát huy tính tích cực, chủ động của HS
trong việc thuyết trình, trả lời câu hỏi, giải quyết tình huống, ... tổ chức các
trò chơi, xem phim, đặt ra những câu hỏi và dẫn dắt các em thảo luận nhóm để
tìm ra hướng giải quyết tích cực; đưa các tình huống để các em sắm vai và khám
phá cách giải quyết vấn đề . . .Qua đó, các em được rèn luyện những KNS như
phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, các
hành vi ứng xử có văn hóa, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống các
loại bệnh tật, tai nạn giao thông và văn hóa trong trường học...
Bên cạnh những giờ
dạy trên lớp, GVCN phải biết phối hợp với GV bộ môn và hoạt động các tổ chức
đoàn thể góp phần giáo dục KNS cho HS thông qua hoạt động giao lưu, tham quan
về nguồn; thông qua những bài học lịch sử, những buổi đi thực tế thăm các di
tích lịch sử, văn hoá của địa phương. GV giúp HS hiểu và thấm nhuần những
truyền thống qúy báu của dân tộc, tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất trong
dựng nước và giữ nước của ông cha, truyền thống nhân đạo sâu sắc, tinh thần
đoàn kết… Từ đó, HS thấy được trách nhiệm của mình với đất nước, gia đình, xã
hội và bản thân, biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân
tộc, hình thành cho HS những phương cách ứng xử nhân văn, nhân ái, phẩm chất
đạo đức chuẩn mực trong nhà trường.
Ngoài ra, GVCN còn
phải thiết kế cảnh quan sư phạm lành mạnh thân thiện, không gian trong và ngoài
phòng học, từ cổng trường đến lớp học phải xanh, sạch, đẹp. Phòng học là nơi
hoạt động chính của thầy và trò, bảng đen, bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, cách bố
trí sắp xếp lớp học hợp lý, sạch đẹp thoáng mát sẽ làm cho HS cảm thấy ấm áp
thoải mái, các em xem như đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Năm học 2015-2016,
toàn tỉnh hiện có 6175 GV phổ thông, trong đó hơn 3.700 GVCN lớp, với trên
109.900 học sinh. Để việc thực hiện giáo dục giá trị KNS được thành công mang
lại hiệu quả thiết thực đòi hỏi ở người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần có quan
điểm đúng đắn, tầm nhìn chiến lược xây dựng đội ngũ GV có năng lực có kinh
nghiệm về công tác giáo dục giá trị KNS, có bản lĩnh trung thực, tinh thần
trách nhiệm cao, nhạy bén trong công việc, người lãnh đạo phải biết khơi dậy
tiềm năng sẵn có tại nhà trường. Chính vì thế, GV phải luôn trau dồi năng lực
chuyên môn và tu dưỡng đạo đức xứng đáng “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương
đạo đức, tự học và sáng tạo”, luôn “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tích cực đổi
mới phương pháp dạy học nhằm lôi cuốn HS học tập tích cực và yêu thích môn học
thì mới đạt được mục tiêu và yêu cầu của giáo dục hiện nay.
Đức Lý