Lễ phát động Giải báo chí có sự hiện diện của các cơ quan đồng chủ trì tổ chức Giải báo chí bao gồm đại diện Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo các ban, đơn vị của Trung ương Hội; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các ban, đơn vị của Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo, cán bộ UN Women cùng đại diện các ban, bộ, ngành liên quan bao gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình của Trung ương và Hà Nội.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của truyền thông, báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới
Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024 được triển khai trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu số 5 liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động trong khuôn khổ đối tác chiến lược của 2 cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam và UN Women nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho hoạt động bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Giải Báo chí cũng được phát động vào đầu tháng 11 - Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: Đây là lần đầu tiên, Hội LHPN Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới nhằm tìm kiếm và tôn vinh những tác phẩm xuất sắc từ các nhà báo, biên tập viên, những người làm truyền thông với các thể loại đa dạng như báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh.
Có thể nói, đây là thời điểm vô cùng ý nghĩa, thể hiện quyết tâm của Hội LHPN Việt Nam, UN Women và Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa quan trọng của bình đẳng giới đối với sự tiến bộ, phát triển của xã hội và hướng đến ghi nhận những đóng góp tích cực của truyền thông, báo chí trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, Giải Báo chí cũng là diễn đàn để các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong tuyên truyền về bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương bày tỏ: "Ban tổ chức hy vọng các tác phẩm sẽ không chỉ dừng lại ở việc phản ánh các vấn đề mà còn đề xuất được các giải pháp thực tiễn, bền vững, tạo nên những thay đổi tích cực trong xã hội. Hãy để những tác phẩm của các bạn không chỉ là những bài viết, phóng sự, hay các sản phẩm truyền thông mà đó còn là những thông điệp, tiếng nói đại diện cho phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế trong xã hội. Mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi bản tin đều có thể trở thành công cụ mạnh mẽ trong việc thay đổi tư duy và hành động của cộng đồng".
Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, chia sẻ: Giải thưởng này nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của truyền thông trong việc thông tin và thay đổi nhận thức của các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân về các vấn đề liên quan đến trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Truyền thông chính là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thay đổi.
Tôi hy vọng giải thưởng này sẽ truyền cảm hứng cho một làn sóng báo chí mới, sáng tạo, đồng cảm và chia sẻ tiếng nói cho phụ nữ, đồng thời thúc đẩy những thảo luận về bình đẳng giới. Chúng ta hãy cùng nhau tạo ra một môi trường truyền thông thúc đẩy sự trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới tại Việt Nam. Qua mỗi câu chuyện và trên mỗi nền tảng, mong rằng bình đẳng giới sẽ trở thành hiện thực chứ không chỉ là khát vọng.
3 chủ đề chính của Giải báo chí toàn quốc về bình đẳng giới
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và 10 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Giải Báo chí sẽ tập trung vào ba chủ đề chính: thúc đẩy phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong chuyển đổi số và thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế. Đây là những lĩnh vực then chốt, phản ánh những thách thức và nỗ lực trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Ban Giám khảo của Giải Báo chí quy tụ đại diện của các ban, bộ ngành Trung ương bao gồm: Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông); Hội Nhà Báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Tuyên giáo (TW Hội LHPN Việt Nam).
Giải thưởng của Giải Báo chí toàn quốc về bình đẳng giới năm 2024 bao gồm các giải cá nhân và giải tập thể. Giải thưởng cho tác phẩm của tác giả/nhóm tác giả với 04 loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) với cơ cấu giải cho mỗi loại hình gồm 01 Giải A, 01 Giải B, 02 Giải C, 02 Giải Khuyến khích.
Về khen thưởng tập thể: Ban Tổ chức sẽ trao 02 Giải tập thể cho các cơ quan, đơn vị có đề xuất, gửi nhiều tác phẩm dự thi nhất: bao gồm Giấy chứng nhận và tiền giải thưởng.
Ban tổ chức kỳ vọng sẽ nhận được ít nhất 300 tác phẩm báo chí chất lượng ở nhiều thể loại báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trong đó có ít nhất 100 tác phẩm về những thành tựu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, 200 tác phẩm báo chí còn lại tập trung vào các hoạt động, mô hình thúc đẩy bình đẳng giới của phụ nữ, các điển hình, thành tựu của phụ nữ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới liên quan tới 03 chủ đề chính của Giải.
Các tác phẩm dự thi sẽ được gửi qua email: giaibaochi.binhdanggioi2024@gmail.com, thời gian nhận bài từ ngày 01/11/2024 đến ngày 30/11/2024. Thời gian trao giải dự kiến vào 15/12/2024. Thông tin về Giải thưởng sẽ được đăng tải rộng rãi trên các kênh truyền thông của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, UN Women và các cơ quan báo chí trong nước.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam