Một số thủ đoạn lừa đảo mới nhất Tài liệu tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo
Thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước
đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý
các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã khám phá nhiều chuyên án lớn, bắt,
khởi tố hàng trăm đối tượng, ngăn chặn và thu hồi số lượng tài sản lớn bị chiếm
đoạt; công tác tuyên truyền được quan tâm thông qua nhiều hình thức, được các
cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao, Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa
đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo thông qua mạng viễn thông, mạng
internet, mạng xã hội… vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động
mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư
luận xã hội. Nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác,
tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và tố giác hành vi vi phạm pháp luật
nói chung và các loại tội phạm xâm phạm sở hữu góp phần đảm bảo ANTT. Công an
Thành phố thông báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo
chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này, như sau:
1. Gọi điện, gửi tin nhắn khuyến mại, trúng thưởng
1.1. Phương thức, thủ đoạn
Các đối tượng giả danh nhà mạng, doanh nghiệp gọi điện thông
báo tới số thuê bao điện thoại, hoặc nhắn tin sms, hoặc messenger của bạn với
nội dung bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó
phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào và cung cấp mã số, số sêri của thẻ cào
đó cho đối tượng, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng
chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó.
1.2. Biện pháp phòng ngừa
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; nâng
cao cảnh giác với những cuộc gọi của người lạ. Trường hợp cần thiết, yêu cầu
đối tượng đó cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân về họ tên, chức vụ, đơn vị công
tác, địa chỉ, số điện thoại; tên công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số
thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (đối tượng là doanh nghiệp). Sau đó người
dân cần tìm hiểu và xác minh thông tin qua nhiều nguồn khác nhau.
- Tất cả các chương trình khuyến mại, trao thưởng phải được đăng
ký và cấp phép tại các cơ quan chức năng (đặc biệt là những chương trình khuyến
mại có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên). Bất kể là trúng thưởng trong một
chương trình nào đó thì người tiêu dùng cũng phải là người đăng ký tham gia các
chương trình quay thưởng/bốc thăm trúng thưởng đó. Không có việc doanh nghiệp
tự lựa chọn khách hàng rồi quay thưởng, trao thưởng không thông báo trước cho
người tiêu dùng và sau đó yêu cầu đóng phí, thuế vào tài khoản cá nhân do đối
tượng cung cấp để làm thủ tục nhận thưởng. Đặc biệt, rất ít trường hợp các
doanh nghiệp lớn công bố trúng thưởng thông qua hình thức tin nhắn trên
facebook.
Người tiêu dùng cũng có thể liên hệ đến Tổng
đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người
tiêu dùng, Bộ Công thương để được tư vẫn, hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời. Hoặc
gọi điện cho Cảnh sát khu vực để được tư vấn.
2. Dẫn dụ nạn nhân cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP tài
khoản ngân hàng
2.1. Phương thức, thủ đoạn: đối tượng giả danh là cán bộ Ngân hàng hoặc
người mua hàng online gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào
tài khoản nhưng do lỗi nên chưa nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm
chuyển tiền Internet banking của khách hàng bị lỗi… nên yêu cầu khách hàng cung
cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP để kiểm tra, hoặc dẫn dụ bị hại
nhấn vào đường link website có địa chỉ tên miền gần giống với tên ngân hàng do
các đối tượng gửi qua tin nhắn để thực hiện các bước nhận tiền. Các đối tượng
sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị
hại.
2.2. Biện pháp phòng ngừa: Khi bạn là người thụ hưởng số tiền mà người khác chuyển, chỉ cần
cung cấp đúng tên chủ tài khoản, số tài khoản thì người chuyển sẽ chuyển thành
công số tiền đã thỏa thuận cho bạn; chỉ nên đăng nhập tài khoản của bạn vào các
ứng dụng ngân hàng mà bạn đã sử dụng lâu nay, không nhập vào trang wed; thường
xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật tài khoản ngân hàng, mạng xã hội;
không cho mượn, thuê giấy tờ cá nhân. Khi bị lừa, nạn nhân hãy nhanh chóng liên
hệ và đề nghị ngân hàng nơi mình mở tài khoản để phong tỏa tài khoản và tích
cực phối hợp cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho cơ quan điều tra có thẩm
quyền.
* Chú ý: Ghi nhớ các trang
web chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng được đăng ký với các cơ
quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn).
* Chú ý: đối với các trang web đăng ký tên giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top), (.cc), (.com)... đều
là giả mạo .
3. Yêu cầu nâng cấp sim điện thoại cho khách hàng
3.1 Phương thức, thủ đoạn
Các đối giả danh nhân viên các nhà mạng viễn thông như Mobile,
Vina, Viettel… tư vấn cho bị hại về dịch vụ nâng cấp sim 3G, 4G, 5G để được
hưởng nhiều ưu đãi. Sau đó đối tượng gửi cho bị hại tin nhắn, đường link hoặc
yêu cầu tải các ứng dụng và làm theo hướng dẫn để nâng cấp sim. Nhiều bị hại
tin tưởng là thật nên đã làm theo hướng dẫn mà các đối tượng yêu cầu thì ngay
sau đó bị chiếm quyền sử dụng sim số điện thoại và lấy thông tin cá nhân, đồng
thời chúng sử dụng số điện thoại này và thông tin cá nhân để đăng nhập vào tài
khoản ngân hàng của bị hại, lấy mã OTP từ ngân hàng gửi đến. Các đối tượng thực
hiện hành vi chuyển số tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại vào các tài khoản
khác nhau để chiếm đoạt.
3.2 Biện pháp phòng ngừa
Người dân trực tiếp đến cửa hàng giao dịch để nâng cấp thẻ
sim hoặc tự mình gọi vào số tổng đài của nhà mạng để được hỗ trợ khi cần thiết;
không thực hiện theo các yêu cầu của cá nhân gọi đến, tự xưng viên tổng đài nhà
mạng qua điện thoại. Chia sẻ, cảnh báo với người thân, hàng xóm phương thức,
thủ đoạn của tội phạm để cùng nhau cảnh giác, bảo vệ tài sản.
4.
Giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án để gọi điện lừa đảo
4.1. Phương thức, thủ đoạn
Các đối tượng dùng dịch vụ giả mạo số điện
thoại của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hay Tòa án gọi điện tự xưng cán bộ
Công an, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án thông báo người dân có liên quan đến vụ án
hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản
mà các đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, xử lý, dặn “vụ án trong
quá trình điều tra nên phải giữ bí mật, không được nói cho ai biết”. Khi người
dân lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì các đối
tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Đã xảy ra
nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
4.2. Biện pháp phòng ngừa: Trước các thủ đoạn trên, người dân phải hết sức cảnh giác,
thận trọng, bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu những
người tự xưng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập
hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú; tuyệt đối không làm theo hướng
dẫn: như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại...; không cung
cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối
không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng
phong tỏa ngay số tài khoản đã chuyển); báo cho người nhà biết và thông báo cho
cơ quan Công an gần nhất để xử lý. Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định khi
làm việc, lực lượng Công an, Viện Kiểm sát hay Tòa án sẽ gửi giấy mời, giấy
triệu tập và làm việc trực tiếp tại trụ sở, không làm việc qua mạng hay điện
thoại.
5. Giả tuyển cộng tác viên để lừa đảo
5.1. Phương thức, thủ đoạn
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần
bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển
cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành
vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn
hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn; Lazada, Shopee… và chạy quảng cáo
để tiếp cận người có nhu cầu làm cộng tác viên, khi bị hại nhắn tin cách thức
làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về “công ty”, “nhân viên
chăm sóc khách hàng”… và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn zalo để tư vấn.
Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ (khoảng vài chục
đến vài trăm ngàn đồng) để bị hại chọn xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho
đối tượng qua Zalo, Facebook, chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung
cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa
hồng từ 3 - 20%. Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả tiền gốc và hoa hồng
như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do là “bạn đã được công ty
nâng hạng” và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee… có giá trị
lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển
tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không chuyển tiền mà tiếp tục thông báo cho
cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại
tiền hàng và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản đối
tượng). Sau đó các đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại.
5.2. Biện pháp phòng ngừa
- Nâng cao cảnh giác đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội; không tham gia đầu tư, mua bán
hàng qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội và chuyển tiền cho những
tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Chia sẻ, cảnh báo
với người thân, hàng xóm các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này.
- Kiểm chứng rõ các thông tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng hóa
trên mạng bằng các gọi trực tiếp vào số hotline của doanh nghiệp, sàn thương
mại điện tử. Khi làm cộng tác viên cho bất kỳ đơn vị, cá nhân cung ứng hàng,
dịch vụ, sàn thương mại điện tử nào thì phải gặp trực tiếp người có thẩm quyền
để ký hợp đồng cộng tác viên; kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa, đơn vị
cung cấp.
- Đại diện các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử Tike, Lazada,
Shoppee… cần thông báo rộng rãi nội dung các chương trình khuyến mãi, thông tin
trúng thưởng trên trang cá nhân chính thống của công ty, tránh trường hợp các
đối tượng giả danh những doanh nghiệp này đưa ra các thủ đoạn lừa đảo về nội
dung chương trình khuyễn mãi cho người dân.
- Khi nhận được lời mời chào với thu nhập hấp dẫn, nên tìm hiểu kỹ
thông tin doanh nghiệp qua kênh chính thống hoặc số hotline của doanh nghiệp,
sàn thương mại. Nếu tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có dấu hiệu lừa đảo, người
dân nên phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin - Bộ TT và TT qua đầu số tin
nhắn 5656 miễn phí. Phản ánh cuộc gọi rác, soạn cú pháp: V (nguồn phát tán)(nội
dung cuộc gọi rác) gửi số 5656; ví dụ: V (0038xxxx)(cuộc gọi giới thiệu sản
phẩm) gửi 5656. Phản ánh tin nhắn rác soạn cú pháp: S (nguồn phát tán) (nội dung
sms rác) gửi 5656; ví dụ: S (0038xxxx)(quảng cáo vay tiền) gửi 5656.
6. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời chào đầu tư tiền ảo,
chứng khoán quốc tế
6.1. Phương thức, thủ đoạn
Các đối tượng gọi điện mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư
vào các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán quốc tế… do đối tượng thiết lập, cam
kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng
bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các
buổi hội thảo, gặp mặt offiline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm
hứng, người dẫn đường… để lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào hệ thống do chúng thiết
lập. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các
giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để
chiếm đoạt tiền của người tham gia.
6.2 Biện pháp phòng ngừa
- Cảnh giác với các đối tượng khoe khoang sự thành công của bản
thân để mời chào tham gia đầu tư, tham dự hội thảo.
- Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ một sàn giao dịch tiền
ảo nào, do đó người dân không nên tham gia vào thị trường này và tuyên truyền
cho người thân, gia đình, bạn bè không tham gia các hoạt động tiền ảo. Nếu đã
tham gia bằng mọi cách phải rút tiền ra khỏi sàn giao dịch và khi phát hiện dấu
hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu phạm tội thì phải phối hợp kịp thời với các cơ
quan chức năng để đấu tranh xử lý.
7. Giả người thân, người quen, đồng nghiệp nhắn tin qua các ứng
dụng mạng xã hội để vay - mượn tiền
7.1. Phương thức, thủ đoạn
Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí
lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể… để thiết lập tài khoản mạng xã hội
(Zalo, Facebook…) mạo danh. Sau đó, các đối tượng sử dụng tài khoản mạo danh để
kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp,
cấp dưới… và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến; hoặc đối tượng lừa đảo
sử dụng hack (chiếm đoạt quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội sau đó tạo ra
kịch bản như đang cần tiền gấp, không thể nghe điện thoại…để nhắn tin lừa đảo
đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại
chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.
7.2. Biện pháp phòng ngừa
- Người dân nêu cao ý thức bảo vệ, cung cấp thông tin cá nhân trên
mạng xã hội; cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật tài khoản
mạng xã hội; không cho mượn, thuê giấy tờ cá nhân.
- Cảnh giác với thủ đoạn vay, mượn tiền bằng tin nhắn qua mạng xã
hội, nếu đồng ý cho người thân, người quen, đồng nghiệp vay/mượn tiền thì phải
gọi điện trực tiếp cho người vay/mượn tiền để xác thực là đúng người thân,
người quen hay đồng nghiệp của mình và xác nhận số tài khoản người đó cung cấp
là đúng.
8. Cho vay tiền qua app (vay tiền online)
8.1. Phương thức, thủ đoạn
Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng,
không phải ra ngân hàng làm tủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã
hội (Zalo, Facebook…) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại. Sau khi tiếp cận
được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi đường link kết nối CH Play, App Store… để
các bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoạt và thực hiện đăng ký tài khoản trên
app. Sau đó, khi bị hại đăng nhập app, điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu
và được đồng ý cho vay số tiền theo đề nghị của nạn nhân. Số tiền giải ngân đã
được thể hiện trên app (tiền ảo), nhưng người vay không thể chuyển, rút được và
bị khóa app vì do lỗi “sai cú pháp, “quá hạn mức”, “sai số tài khoản ngân
hàng”…. Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền đặt cọc để mở
lại app thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và
tiền cho vay). Hoặc các đối tượng yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng
tiền phí giải ngân… Nhiều bị hại thực hiện chuyển tiền nhiều lần để được vay
cho đến khi nghi ngờ bị lừa thì không lấy lại được số tiền đã chuyển và chiếm
đoạt số tiền này của bị hại.
8.2. Biện pháp phòng ngừa
Mọi khoản vay người dân nên liên hệ chi nhánh ngân hàng gần nhất
nơi mình cư trú hoặc gọi số điện thoại hotline của ngân hàng để được nhân viên
hướng dẫn thực hiện các thủ tục vay. Người dân tuyệt đối không làm thủ tục vay
thông qua làm việc với người tự xưng là nhân viên ngân hàng trên Fanpage
facebook, website, Zalo sử dụng hình ảnh logo, hình ảnh mạo danh ngân hàng sau
đó đóng “phí vay, phí rút tiền mặt” vào tài khoản cá nhân do đối tượng mạo danh
cung cấp là việc làm hết sức rủi ro dẫn đến việc mất khoản tiền phí trên.
9. Hứa chạy án, chạy trường, xin việc, xin dự án
9.1. Phương thức, thủ đoạn
Các đối tượng giả là người
quen của lãnh đạo cấp cao hay các cơ quan trọng yếu. Chúng cung cấp ảnh, video
(đã được cắt ghép) của bản thân với lãnh đạo để tạo niềm tin rồi hứa hẹn chạy
án, xin việc, xin dự án… rồi chiếm đoạt tiền.
9.2. Biện pháp phòng ngừa
Người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp
luật; tìm hiểu thông tin chuyên ngành, các quy định tuyển sinh, tuyển dụng để
mua hồ sơ, thực hiện các thủ tục tuyển sinh, tuyển dụng, đầu tư theo quy định.
Tuyệt đối không nghe theo cá nhân giới thiệu, tự xưng là người quen của lãnh
đạo cao cấp yêu cầu nộp một khoản tiền để chạy án, xin việc, xin dự án. Hành vi
đưa tiền để nhờ chạy án, chạy trường, xin việc, xin dự án… có thể bị trừng trị
theo quy định của pháp luật.
10. Giả bạn bè, đồng nghiệp của người thân người cao tuổi để vay
tiền, trả tiền - nhận hàng
10.1. Phương thức, thủ đoạn
Các đối tượng tìm hiểu, theo dõi, biết được tên của một
trong các thành viên gia đình của bị hại. Chờ lúc con cháu, người thân vắng
nhà, lợi dụng người cao tuổi ở nhà một mình, để diễn kịch. Chúng vờ đứng trước
nhà gọi điện thoại, cố ý để nạn nhân nghe được nội dung cuộc gọi giả thể hiện
mối quan hệ giữa người thân của mình với đối tượng, sau đó đối tượng bắt chuyện
với nạn nhân, hỏi mượn tiền và chiếm đoạt; hoặc chúng giả nhân viên tới giao
hàng cho người có tên trong gia đình và nhờ bị hại nhận hàng, thanh toán tiền…
10.2. Biện pháp phòng ngừa
Con cháu dặn cha mẹ, ông bà, người thân luôn cảnh giác với
các thủ đoạn lợi dụng người cao tuổi ở nhà một mình. Không cất trữ nhiều tiền
trong nhà; không đeo trang sức có giá trị lớn; không cho người lạ tự nhận là
bạn bè, đồng nghiệp của con cháu vay, mượn tiền. Khi con, cháu vắng nhà, không
cho người lạ vào nhà. Nếu người thân ở nhà một mình có sử dụng điện thoại thì
phải dặn kỹ “người lạ vay, mượn tiền, thu tiền, giao hàng, xin vào nhà để kiểm
tra, sửa chữa thiết bị hư hỏng… thì phải gọi điện cho con, cháu”; trang bị
camera giám sát để luôn quan tâm đến cha, mẹ, ông, bà già yếu ở nhà và để phòng
ngừa tội phạm…
Từ một số phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm trên . Công an Thành phố đề
nghị cán bộ, công nhân viên chức,
đoàn viên, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác
phòng ngừa, nếu phát hiện một trong các hành vi nêu trên hoặc khi là bị
hại hãy tích cực phối hợp cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho
cơ quan điều tra có thẩm quyền./.