Nhận thức tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những năm qua
Đảng, Nhà nước ta đã có nhiêu chủ trương chính sách phòng chống và ngăn chặn,
nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược nâng cao sức khỏe, trí tuệ, tầm vóc của cộng
đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
trên phạm vi toàn quốc nói chung, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói riêng đã được giảm thiểu,
nhưng ở vùng nông thôn miền núi, nơi đồng bào các dân tộc thiếu số sinh sống
tình trạng này vẫn còn khá phố biến, có nơi gia tăng trở lại, đây là nguyên
nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm suy giảm chất lượng dân số trong vùng dân tộc
thiểu số nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung.
Để tiếp tục tăng
cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các giải pháp ngăn chặn tình trạng
này, ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg về
phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Đây là chính sách thể hiện quyết
tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao chất lượng dân số, là một nhiệm
vụ cấp thiết yêu cầu các cấp các ngành từ TW đến các địa phương, tập trung triển
khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân
cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Dưới đây là những nội dung cơ bản
tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và công tác phòng
chống ngăn chặn tình trạng này trong vùng dân tộc thiếu số.
PHẦN I
THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG VÀ HẬU QUẢ
I. TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG VÀ HẬU
QUẢ
1. Tảo hôn, hôn nhân cận
huyết thống
a) Khái niệm tảo hôn: “Tảo hôn” là việc lấy vợ, lấy chồng
khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại Điểm a, Khoản
1, Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình (nam chưa đủ 20 tuổi trở lên, nữ chưa đủ
18 tuổi trở lên) mà đã lấy vợ hoặc lấy chồng gọi là tảo hôn, trái với quy định
của pháp luật.
b) Khái niệm kết hôn cận huyết thống:
Là hình thức kết
hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa
những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa
người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với
con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; (tại khoản
d, Điều 5 và khoản 17 - 18 Điều 3 và Luật
HNGĐ 2014; khoản17,
Điều 3. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống,
trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Khoản18, Điều 3. Những người có
họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời
thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời
thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).
2. Hậu
quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
a) Hậu quả tảo hôn:
-
Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm, sinh lý nhất là các em gái; khi
chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, việc quan hệ tình
dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm khi còn thiếu kiến thức sẽ không đảm
bảo được vai trò làm mẹ, khủng hoảng về tâm lý, ảnh hưởng tới quá trình phát
triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và nhiều di chứng bệnh
tật, làm suy kiệt sức khỏe mẹ và con, trẻ sinh ra nhẹ cân, còi cọc, suy dinh dưỡng,
dễ bị tử vong ở lứa tuổi từ 01- 05 tuổi.
- Đối với nam giới do chưa phát
triển đầy đủ về thể chất, tâm, sinh lý khi phải làm cha sớm, suy thoái giống
nòi, giảm chất lượng dân số.
- Nhiều
trường hợp do bị ép gả lấy chồng, lấy vợ sớm, đôi nam nữ không được tìm hiểu,
sinh buồn chán, bế tắc dẫn đến tiêu cực, ly hôn, ly thân, bỏ đi khỏi địa
phương, sa vào tệ nạn xã hội, có trường hợp tìm cái chết bằng tự tử...
- Do
lấy vợ, lấy chồng sớm không có điều kiện học tập, nâng cao trình độ kiến thức
và kinh nghiệm sống, không tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mất
cơ hội tìm kiếm việc làm.
- Tảo
hôn cũng là nguyên nhân của đói nghèo, trẻ em thất học do cặp vợ chồng trẻ còn
thiếu kinh nghiệm sống, thiếu vốn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn cả vật chất và
tinh thần, gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
b) Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống:
- Con
sinh ra hay mắc các bệnh di truyền và dị tật như:
+
Sức đề kháng kém, hay mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh tim mạch.
+
Bệnh mù màu (không phân biệt được màu sắc).
+
Bệnh down (đao), đần độn do thiểu năng trí tuệ.
+
Còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ.
+
Hay mắc bệnh bạch tạng, bệnh da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh,
nguy cơ tử vong rất cao.
Những
căn bệnh này làm suy kiệt sức khỏe, dẫn tới suy thoái nòi giống của cả một dòng
họ, một dân tộc.
-
Là gánh nặng của gia đình và xã hội:
+
Nhìn nhận ở góc độ xã hội thì hôn nhân cận huyết là trái với quy định của pháp
luật, vì vậy những cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc
cảm, thiếu tự tin trong hòa nhập với cộng đồng.
+
Về góc độ gia đình khi có đứa trẻ sinh ra bị dị tật hoặc phát triển không bình
thường thì cha, mẹ, họ hàng thân tộc đều chung tâm trạng ái ngại, buồn chán, tốn
kém trong nuôi dưỡng, chăm sóc và chữa trị mà không mang lại tương lai gì tốt đẹp,
không duy trì được giống nòi, bản thân trẻ sinh ra không được bình thường trở
thành gánh nặng cho gia đình.
II. NGUYÊN
NHÂN TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG
1. Nguyên nhân khách quan:
- Thứ
nhất: Do ảnh hưởng của những quan niệm, tập quán lạc hậu: Đã ăn sâu
trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay, chi phối mạnh mẽ trong đời sống,
sinh hoạt của phần lớn đồng bào các dân tộc thiếu số; cụ thể:
* Về
tảo hôn: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn còn nặng về tập
quán; việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong
dòng họ, cha mẹ hai bên nam, nữ (thủ tục làm lý) và sự chứng kiến của họ hàng,
làng xóm công nhận, các gia đình thường dựng vợ gả chồng cho con từ rất sớm (15-17
tuổi, thậm chí 13-14 tuổi). Vì chưa đủ tuổi theo luật định nên việc kết hôn
không được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ đó sinh ra lẩn tránh
hoặc lách luật dưới nhiều hình thức khác nhau như cưới chui, làm lý cúng tổ
tiên bỏ qua cưới, chờ đủ tuổi đến chính quyên đăng ký và khai sinh cho con, hoặc
khai sinh cho con không khai bố...
+ Quan
niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; hứa hôn, sớm có chỗ cho con thành vợ, thành
chồng.
+ Tục
lệ bắt vợ, tục “nối dây”, dẫn đến cưỡng ép hôn nhân sớm.
+ Lấy
vợ lấy chồng sớm để có thêm lao động, để có con đàn cháu đống, bậc cha mẹ sớm
được lên chức ông, bà... Nữ sớm có chỗ dựa (không sợ ế), nam lấy vợ sẽ nhanh
chóng trưởng thành trụ cột, sớm ra ở riêng vì con đông em trong nhà...
+ Học
sinh sau khi học, cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn, tư tưởng các bậc phụ huynh
và học sinh bỏ học về đi lao động và lấy vợ, lấy chồng để ổn định cuộc sống...
* Về hôn nhân cận huyết thống:
+ Quan
niệm cứ khác họ là lấy nhau được, vì vậy con anh, con cô, con chị, con dì ở
ngay đời thứ 2, thứ 3 lấy nhau thành vợ, chồng còn khá phổ biến.
Tục lệ thách cưới cao dẫn đến quan niệm kết hôn trong họ tộc sẽ thách cưới ít
hơn và để lưu giữ tài sản trong gia đình dòng họ, không mang của cải đi, hoặc
chia của cải sang họ khác.
+ Quan
niệm trong họ hàng lấy nhau, được gia đình, bố mẹ, con cái hai bên đùm bọc,
thương yêu, dễ bảo ban nhau hơn...
+ Nhiều
cộng đồng dân tộc sống khép kín trong địa bàn một xã, hoặc một thôn ở vùng cao,
ít giao tiếp ra bên ngoài, thanh niên lớn lên lấy vợ, lấy chồng quanh quẩn ngay
trong dòng tộc...
+ Do
đông con nhiều cháu, biết có họ hàng gần, nhưng vì lý do các cặp con cháu yêu
nhau, trót lỡ rồi nên bố mẹ, họ hàng đành phải chấp nhận...
- Thứ
hai: Do tác động, ảnh hưởng của sự phát triển xã hội và lối sống thời
hiện đại.
- Thực
tế cuộc sống hiện nay, khi đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần ngày càng được
nâng cao, cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, mạng xã hội, điện thoại
di động, băng, đĩa hình và các văn hóa phẩm độc hại đã tác động đến quan niệm sống
tự do của lớp trẻ, không còn giữ gìn thuần phong mỹ tục theo quan niệm đạo đức
xưa. Vì vậy trai, gái dễ gần gũi như vợ chồng và làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm.
Đây cũng là nguyên nhân khách quan làm gia tăng tình trạng tảo hôn và hôn nhân
cận huyết thống ở vùng dân tộc thiếu số.
b. Nguyên nhân chủ quan
- Thứ nhất: Do trình độ dân trí và ý
thức pháp luật của người dân còn hạn chế:
Thực tế cho thấy phần lớn trường hợp tảo hôn,
hôn nhân cận huyết thống đều rơi vào đối tượng ở vùng cao, thanh niên, phụ nữ
ít học, hiểu biết pháp luật hạn chế và việc tiếp cận với các phương tiện thông
tin đại chúng còn thiếu thốn khó khăn, một số trường hợp cả các bậc cha mẹ và
con cái biết vi phạm nhưng vẫn cố ý lách luật.
- Thứ
hai: Công tác tuyên truyền còn hạn chế và hiệu quả chưa cao. Công tác
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính
quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các cơ quan pháp luật quan tâm, nhưng vẫn
còn bộc lộ những yếu kém, hạn chế, công tác tổ chức tuyên truyền ở cơ sở chưa
được thường xuyên, hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa sâu rộng, thiếu sắc
bén, thiếu kỹ năng, nặng về hình thức răn đe, thiếu cảm hóa, thuyết phục, thiếu
đội ngũ làm công tác tuyên truyền là người địa phương nên việc đưa thông tin
pháp luật đến với vùng đồng bào dân trí thấp, không biết chữ, chưa thông thạo
tiếng phổ thông không mang lại hiệu quả.
- Thứ ba:
Do nhữnng bất cập, hạn chế trong các quy định của Luật hôn nhân và gia đình và các
quy định pháp luật liên quan; Chế tài xử phạt chưa
đủ răn đe, hình thức chủ yếu dừng lại ở mức xử lý là nộp phạt hành chính (Theo
Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức phạt áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định
tại điều 58. Hành vi tảo
hôn, tổ chức tảo hôn, phạt ở mức từ 1.000.000đ - 3.000.000đ). Gia đình và các cặp
tảo hôn sẵn sàng thực hiện nộp phạt và coi như đã xong, sau đó về sống chung
thành vợ chồng...
Về
các trường hợp cấm kết hôn, hủy kết hôn trái pháp luật giữa những người có họ
trong phạm vi ba đời không có tính khả thi khi áp dụng thực tế ở vùng dân tộc
thiểu số, khi họ hàng, hai bên gia đình đồng ý cho các cặp có họ lấy nhau thì
chính quyền, các tổ chức đoàn thể chưa có biện pháp can thiệp rõ ràng.
- Thứ
tư: Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp
tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.
Việc
cải tạo, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo
hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng ra khỏi đời sống xã hội vùng dân tộc thiểu
số chưa đạt được hiệu quả cao có nguyên nhân rất quan trọng là do sự can thiệp
thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp
cơ sở, thực tế cho thấy cán bộ thực thi pháp luật ở cơ sở đều ngại va chạm với
loại hình vi phạm này, chủ yếu tập trung vào việc xử phạt hành chính và không
cho đăng ký kết hôn, khi họ cố tình đến ở với nhau thì chính quyền lại thụ động,
lúng túng, không giải quyết triệt để. (Không muốn mất lòng, mất uy tín vì bản
thân cũng là một công dân sống cùng trong cộng đồng đó...).
Về
ý thức, không chỉ những người dân mà cả cán bộ, Đảng viên là lãnh đạo xã, phường
ở một số nơi cũng đồng tình tiếp tay, vẫn đến dự đám cưới tảo hôn, có trường hợp
tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra ngay trong gia đình, dòng họ cán bộ,
Đảng viên. Tâm lý sợ mất thành tích thi đua dẫn
đến che giấu cho việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá phổ biến ở cơ sở.
Việc
sửa đổi quy ước, hương ước thôn, bản, dòng họ chưa kịp thời, đến nay vẫn còn
nhiều nơi quy định phạt tảo hôn bằng vật chất (lợn, gà, rượu..) sau đó tổ chức
ăn uống như kiểu liên hoan để công nhận cho họ, vô hình gây phản tác dụng giáo
dục.
Một
số nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận
huyết thống trên địa bàn.
- Thứ
năm: Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng ở cơ sở hoạt
động còn hạn chế, khó khăn:
Qua
khảo sát thực tế cơ sở cho thấy, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ
về cơ bản đều nắm được các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn,
nhưng thiếu chủ động trong vai trò phối hợp giáo dục, thuyết phục, vận động,
chưa tạo được phong trào mạnh mẽ trong quần chúng về phòng chống tảo hôn, hôn
nhân cận huyết thống.
III. TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ ĐỐI VỚI HÀNH VI KẾT HÔN TẢO
HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG.
1. Tảo hôn có vi phạm pháp luật
không?
Theo
điểm b, khoản 2, Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“2.
Cấm các hành vi sau đây:
b)
Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;”
Theo
quy định này, rõ ràng tảo hôn là hành vi trái pháp luật và bị pháp luật cấm. Và
hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Tảo hôn bị xử lý như thế nào?
Với
trường hợp tảo hôn có đăng ký kết hôn thì việc kết hôn đó là
trái pháp luật và có thể hủy khi có yêu cầu của những người có quyền yêu cầu hủy kết hôn
trái pháp luật. Và theo thủ tục Bộ luật tố tụng
dân sự quy định, Tòa án có thẩm quyền xem xét về điều
kiện độ tuổi khi kết hôn để xử lý. Việc kết hôn sẽ bị hủy nếu như tại thời điểm
xem xét yêu cầu hủy kết hôn, một trong hai bên không đủ điều kiện về độ tuổi hoặc
một trong hai bên không yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân đó.
Trong
trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp
luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều
8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn
nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.
3. Về xử lý vi phạm hành chính Tảo hôn:
Căn cứ
Điều 58. “Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn” Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày
15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ
trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá
sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 01/9/2020, quy định cụ thể
như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến
3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi
kết hôn.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến
5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người
chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của
Toà án.
4. Về hình sự:
Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 24 Điều 1 Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định, việc giao cấu
hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi là cấu
thành tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và khung hình phạt thấp nhất của tội này
là 07 năm và cao nhất là tử hình.
Việc dùng thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở
trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng
giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, khung hình phạt
của tội này thấp nhất là 05 năm và cao nhất là tù chung thân (Điều 144 BLHS năm
2015 và khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2017).
Việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ
13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự về tội giao cấu hoặc thực
hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS năm 2015) và khung hình phạt của tội này 01
năm đến 15 năm tùy vào tính chất của từng hành vi vi phạm.
Đối với hành vi cưỡng ép người khác kết
hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan
hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng
cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn
khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt
cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến
03 năm (Điều 181 BLHS năm 2015).
Điều 183,
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội tổ chức tảo hôn: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những
người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà
còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt
cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
5. Về
xử lý vi phạm hành chính hôn nhân cận huyết thống:
Phạt
hành chính kết hôn cận huyết thống: Tại điểm a, khoản 2, Điều 59 Nghị định
82/2020 quy định rõ “Kết hôn
hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa
người có họ
trong phạm vi 03 đời sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng”.
6. Về hình sự:
Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định
về tội loạn luân: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng
máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc
cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
PHẦN II
TRÁCH NHIỆM PHÒNG, CHỐNG KẾT HÔN TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG
I. Cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn
trái pháp luật
- Căn cứ Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
- Luật
hôn nhân và gia đình năm 2014.
+ Vợ, chồng
của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người
giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
+ Cơ
quan quản lý nhà nước về gia đình (ngành Văn hóa);
+ Cơ
quan quản lý nhà nước về trẻ em (ngành Lao động);
+ Hội
liên hiệp phụ nữ.
II. Đối với cấp uỷ đảng, chính quyền
địa phương:
- Một là: Tăng cường công tác tuyên
truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác
dân số, kế hoạch hoá gia đình; nhân rộng các mô hình can thiệp giảm thiểu
tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
- Hai là: Điều chỉnh, sắp xếp lại đất
sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ kinh phí khai hoang phục hoá mở rộng diện
tích cây trồng, vật nuôi.
- Ba là: Tiếp tục xây dựng đời sống văn
hoá bản và hộ gia đình theo hướng tiến bộ, trên cơ sở kế
thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, từng bước đẩy lùi, xoá bỏ các hủ tục
đặc biệt trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
- Bốn là: Tạo điều kiện để người dân có
thể tiếp cận với các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh
tế có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Trên cơ sở đó, nâng cao mức sống
cho người dân đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
III. Đối với người có uy tín tại cộng đồng
(Thầy mo, thầy cúng, thầy tào, các chức sắc tôn giáo, gia làng và trưởng bản..).
Phải tích cực phối hợp với cấp uỷ - chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để tổ
chức tuyên truyền thường xuyên, ngăn chặn các trường hợp có hành vi kết hôn tảo
hôn và hôn nhân cận huyết thống, từng bước loại bỏ ra khỏi cộng đồng.
IV. Đối
với mỗi người dân cần:
- Một là: Cần thực hiện tốt hương ước,
quy ước của thôn bản.
- Hai là: Phát huy tính tự quản của dòng
họ, gia đình; vận động nhân dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
- Ba là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm
của bản thân trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật nói chung và chính
sách dân số nói riêng.
- Để thực hiện có hiệu quả, đồng
bộ các giải pháp trên cần có sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội và
sự chủ động, tích cực của mỗi chúng ta để từng bước nâng cao chất lượng dân
số, cải thiện sức khỏe cộng đồng.
- “Vì sự phát triển bền vững của
mỗi gia đình không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”.
MỘT
SỐ CÂU HỎI - ĐÁP VỀ
TẢO
HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG
Câu 1. “Tảo hôn” là gì?
Trả lời :
Khái niệm “Tảo
hôn” được
quy định tại Khoản 8, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm
2014 như sau:
“Tảo hôn” là việc lấy vợ, lấy chồng khi
một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại Điểm a,
Khoản 1, Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình (nam chưa
đủ 20 tuổi trở lên, nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên).
Ví dụ: Bên nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi mà kết hôn, thì
đó là hành vi tảo hôn. Tảo hôn là vi phạm pháp luật.
Bên nam trên 20 tuổi, nữ 18 tuổi, hoặc nữ trên 18
tuổi, nam 20 tuổi mà kết hôn, thì vẫn là hành vi tảo hôn.
Như vậy, hiểu đúng khái niệm “đủ 20 tuổi (đối với
nam) hoặc đủ 18 tuổi (đối với nữ)” là
người bắt đầu bước sang tuổi thứ 21 (đối với nam) hoặc bước sang tuổi 19 (đối với
nữ).
Câu 2. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo
hôn là gì? Pháp luật quy định xử phạt đối với những hành vi này như thế nào?
Trả
lời:
Hành
vi tảo hôn là cố tình
lấy vợ, lấy chồng khi một hoặc hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của
pháp luật. Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi
kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.
Hành
vi tổ chức tảo hôn là
việc tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của
pháp luật.
Ví dụ: Bố mẹ, ông bà biết các con, cháu chưa đủ
tuổi kết hôn mà vẫn tổ chức kết hôn cho các con, các cháu.
Theo quy định của pháp luật người nào có hành vi
tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ
thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính: Theo Điều 47 Nghị định số
110/2013/NĐ-CPngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi
hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi tảo hôn, tổ chức
tảo hôn bị xử phạt như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ
500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho
người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng
đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật
với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc
chấm dứt quan hệ đó.
Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tại Điều 183 quy định hình
phạt cho người có hành vi phạm tội tổ chức tảo hôn như sau:
Người nào tổ
chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt
vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Câu 3. Tảo hôn gây ra những hậu quả gì?
Trả
lời: Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả sau:
1.Về pháp lý:
- Việc kết hôn không được
pháp luật công nhận. Các quyền lợi giữa vợ - chồng không được pháp luật bảo hộ.
- Tùy vào mức độ của hành
vi vi phạm, người tảo hôn, người tổ chức tảo hôn có thể bị xử lý vi phạm hành
chính hoặc xử lý về hình sự.
2. Về sinh học:
- Tảo hôn gây ảnh hưởng xấu
đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện.
- Nếu người mẹ có thai ở
tuổi vị thành niên sẽ:
+ Ảnh hưởng lớn tới sự
phát triển bình thường của thai nhi do cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện,
chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai, dễ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát
triển, thai dễ bị chết lưu và nhiều hệ luỵ khó lường khác.
+ Dễ bị sẩy thai, đẻ non,
nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ.
+ Làm gia tăng tỷ lệ tử
vong chu sinh (Tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi
chào đời) và sơ sinh trẻ.
+ Gia tăng tình trạng
suy dinh dưỡng bào thai (trẻ đẻ ra có cân nặng dưới 2,5 kg) hoặc dị dạng, dị
tật.
+ Hay phải can thiệp bằng
thủ thuật hoặc phẫu thuật khi sinh do khung chậu của người mẹ phát triển chưa
hoàn thiện.
+ Tỉ lệ trẻ sinh ra thiếu
cân, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với các
bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.
3. Về xã hội:
Tảo hôn khiến cho nam, nữ
phải bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai.
- Làm mất cơ hội học
tập và có việc làm.
- Phá thai có thể đưa đến các tai biến:
choáng, chảy máu, nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh …
- Làm mẹ sớm dễ bị căng
thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm, dễ chán nản, cảm thấy cách biệt
với gia đình và bạn bè.
- Bản thân và gia đình phải gánh chịu những định
kiến của xã hội.
- Gánh nặng về kinh tế khi nuôi con.
-
Làm gia tăng nguy cơ mâu thuẫn và đổ vỡ gia đình do cặp vợ chồng quá
trẻ, chưa phát triển đầy đủ về tâm lý và có đủ điều kiện kinh tế
để tổ chức cuộc sống gia đình.
- Góp phần làm tăng chi
phí xã hội, tăng dân số.
Câu 4. Hôn nhân cận huyết thống là gì?
Trả lời: Theo Luật Hôn nhân Gia
đình thì hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng
giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi
ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người từng là cha mẹ nuôi với con
nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ,
mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy, thế nào là cùng
dòng máu trực hệ và thế nào là người có họ trong phạm vi ba đời thì Luật hôn
nhân gia đình 2014 cũng có quy định:
Theo Khoản 17 Điều 3: “Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ
huyết thống. Trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp với nhau”.
Theo Khoản 18 Điều 3: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một
gốc sinh ra, gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha
khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em, con chú, con bác, con
cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”.
Câu 5. Hôn nhân cận huyết thống gây ra những hậu
quả nào?
Trả lời: Về mặt sinh học thì hôn
nhân cận huyết sẽ tạo điều kiện cho các bệnh lý di truyền bởi gene lặn trên nhiễm
sắc thể phát triển, bộc lộ ở các thế hệ sau nếu những người đó được sinh ra từ
cha mẹ cùng huyết thống. Những vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý này thường bao gồm:
- Dị tật bẩm
sinh do rối loạn di truyền
- Khiếm thính sớm
- Suy giảm thị lực sớm
- Chậm phát triển trí tuệ hoặc khuyết tật gây ảnh
hưởng đến khả năng học tập, lao động.
- Chậm phát triển hoặc
không phát triển về thể chất
- Rối loạn máu di truyền
- Động kinh ...
- Một số trường hợp mang
thai do mối quan hệ cận huyết có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết
lưu.
Hôn nhân cận huyết là điều kiêng kỵ, phải loại bỏ,
bởi để lại nhiều hệ lụy ở thế hệ trẻ em sinh ra từ cặp vợ chồng cận huyết. Có
thể về mặt hình thái, những em bé được sinh ra giống như bình thường, nhưng các
bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý di truyền có thể tiềm ẩn hoặc biểu hiện ở thế hệ
sau của các em bé này, dẫn chứng điển hình căn bệnh Thalassemia rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền
núi phía Bắc, với triệu chứng nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh
nhân phải điều trị suốt đời. Nếu không căn bệnh này sẽ khiến họ chậm phát triển,
giảm khả năng học tập, lao động…
Câu 6. Hôn nhân cận huyết thống được pháp luật quy
định cụ thể ra sao? Xử lý thế nào?
Trả lời: Hiện nay, hôn nhân cận
huyết thống bị xã hội lên án, pháp luật cũng đã có quy định rõ ràng về xử phạt,
trong đó:
- Xử phạt hành chính: Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020 quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa
những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi
ba đời”.
- Xử lý hình sự: Đối với hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, Điều 181 Bộ luật Hình sự
2015 quy định: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với tự nguyện của họ,
cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc
cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp
tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành
chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.
Điều 184 Bộ luật Hình sự
năm 2015 quy định: “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng
máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc
cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm”.
Hôn nhân cận huyết thống ảnh
hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi. Những cặp đôi kết
hôn cận huyết thống dù khỏe mạnh nhưng có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng
hoặc bệnh tật di truyền như: Bệnh mù màu (không phân biệt được màu xanh, màu đỏ);
bệnh bạch tạng, da vẩy cá; bệnh tan máu bẩm sinh…
Câu 7. Thế
nào là những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm
vi ba đời?
Trả lời: Tại
Khoản 17, Khoản 18, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình, các khái niệm “những người
cùng dòng máu trực hệ”, “Những người có họ trong phạm vi ba đời” được quy định
như sau:
- Những người
cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó,
người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Ví dụ:

Dòng máu trực hệ ở ví dụ trên đây được hiểu như
sau:
- Ông bà A sinh ra bố của A > Người có cùng dòng
máu trực hệ.
- Bố A sinh ra A > Người có cùng dòng máu trực hệ.
- Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị,
em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em
con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Ở sơ đồ trên:
- Cha mẹ A: Đời thứ nhất;
- Con 1,2: Đời thứ hai;
- Cháu 1a,1b,2a: Đời thứ ba
Câu 8. Vì sao Luật Hôn nhân và gia đình lại cấm
kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ và giữa những người có họ
trong phạm vi ba đời?
Trả lời: Luật Hôn nhân và gia đình cấm kết hôn
giữa những người cùng dòng máu trực hệ và những người có họ trong phạm vi ba
đời, vì nếu việc kết hôn này xảy ra thì:
- Trái với đạo đức
xã hội, và phong tục tập quán và đi ngược lại luân thường, đạo lý;
- Là hôn nhân cận huyết thống.
Gây ra hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ em sau này vì y học đã chứng
minh, hôn nhân cận huyết thống tạo điều kiện cho những gen lặn bệnh lý ở chồng
và vợ có cơ hội kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc mắc các bệnh di
truyền như đao, bại não, mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu
bẩm sinh Thalas- semia.
Ảnh hưởng xấu tới
truyền thống văn hóa, tăng gánh nặng cho gia đình, xã hội nói chung.
Câu 9. Pháp luật quy định xử phạt đối với các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng
với những
người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời như thế nào?
Trả lời: Tại khoản 35, Điều 1 - Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày
14/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày
14/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi
hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định như sau:
- Phạt tiền
từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống
như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
- Phạt tiền
từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống
như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.
Câu 10. Mục tiêu của tỉnh Ninh Thuận nhằm giảm thiểu tình trạng
tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến năm 2025 như thế nào?
Trả lời: Tại Kế hoạch số 4211/KH-UBND ngày 27/9/2022 của UBND
tỉnh Ninh Thuận, các mục tiêu cụ thể đặt ra trên địa bàn tỉnh là:
1. Mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn
chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc
thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào
dân tộc thiểu số.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực
hôn nhân vùng dân tộc thiểu số:
- Chuyển đổi
nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm
thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi;
- Đến năm
2025, có trên 90% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ Văn
hóa - xã hội, Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ Mặt trận, các tổ chức hội, đoàn thể xã,
các thành viên Câu lạc bộ được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư
vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong
vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
- Đến năm 2025, có 80% đồng bào dân tộc thiểu
số, các đối tượng vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số, phụ huynh,
học sinh trường dân tộc phổ thông, trường dân tộc nội trú vùng đặc biệt khó khăn
được tuyên truyền cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực
hôn nhân, về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, về sức khoẻ sinh
sản và kế hoạch hóa gia đình.
b) Giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong
vùng dân tộc thiểu số:
Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm
số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ
tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế
tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.”
Câu 11. Những đối tượng nào được tập trung để
tuyên truyền, vận động, can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận
huyết thống trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh?
Trả lời: Vùng có đồng bào dân
tộc thiểu số đang sinh sống, cư trú trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong đó quan
tâm đến các đối tượng, nhóm đối tượng như:
-
Thanh niên, vị thành niên (nam/nữ) là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn/tảo
hôn và hôn nhân cận huyết thống;
- Các
bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú;
-
Nhóm phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc còn gặp nhiều
khó khăn, có khó khăn đặc thù tảo hôn, kết hôn cận huyết thống;
-
Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Già
làng, Trưởng tộc họ, chức sắc, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các
dân tộc thiểu số.